Linus Pauling

     Linus Carl Pauling (sinh ngày 28 tháng 2 năm 1901 – mất ngày 19 tháng 8 năm 1994) là nhà hóa học, nhà hóa sinh, nhà hoạt động vì hòa bình, tác giả và nhà giáo dục người Mỹ. Ông được coi là một trong những nhà hóa học ảnh hưởng nhất trong lịch sử khoa học và được xếp vào nhóm những nhà khoa học quan trọng trong thế kỷ 20. Pauling là một trong những nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học lượng tử và sinh học phân tử.

     Linus Pauling là 1 trong 2 người đi vào lịch sử của giải Nobel do đã được trao giải trên nhiều lĩnh vực khác nhau (người kia là nữ khoa học gia Marie Curie). Trong nửa đầu sự nghiệp của mình, Pauling được đánh giá là một nhà Hóa học hàng đầu thế giới, làm việc trong khá nhiều dự án nghiên cứu về vũ khí của quân đội Mỹ. Giải Nobel đầu tiên của ông này được trao cho những thành tích và nghiên cứu đặt nền móng cho ngành hóa nguyên tử - một điều kiện quan trọng dẫn đến sự ra đời của vũ khí nguyên tử.

     Sau đó, Linus Pauling nhận ra sự nguy hiểm của công nghệ nguyên tử nên đã tham gia cùng với Albert Einstein và một số nhà khoa học hàng đầu thế giới khác phát động phong trào kêu gọi chấm dứt các vụ thử hạt nhân. Chiến dịch vận động của ông mạnh mẽ đến nỗi Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải tạm thời tước hộ chiếu để ông không thể hoạt động rộng rãi như trước. Cũng chính nhờ những hoạt động này mà năm 1962, Linus Pauling đã được trao giải Nobel Hòa bình.  

     Dẫu vậy, vẫn có nhiều kẻ khó chịu với Linus Pauling và chỉ trích mạnh mẽ giải thưởng này đồng thời gọi ông là “kẻ phát ngôn khờ dại của Đảng Cộng sản”. Những sự chỉ trích thậm chí còn bùng lên mạnh mẽ hơn khi năm 1970, Pauling đã đến Liên Xô để nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế Lenin.