Chuyên đề 18. Tổng hợp hữu cơ

Nhận biết hợp chất hữu cơ

     Tuỳ thuộc vào cấu tạo, các hợp chất hữu cơ có những phản ứng đặc trưng mà hiện tượng có thể quan sát được bằng trực quan có thể dùng để nhận biết. Một số phản ứng thường gặp là:

1. Phản ứng với dung dịch brom

- Các chất tham gia phản ứng và làm nhạt (mất) màu dung dịch brom gồm:

+ Chất có chứa liên kết bôi C=C hoặc CΞC nằm ngoài vòng benzen.

+ Xicloankan có vòng 3 cạnh.

+ Có nhóm chức -CHO (trường hợp này đòi hỏi dung môi phản ứng là nước).

- Các chất tham gia phản ứng, làm nhạt (mất) màu dung dịch brom và tạo kết tủa trắng: chất có nhóm OH hoặc NH2 gắn trực tiếp với vòng benzen chưa có nhánh ở ít nhất 1 trong các vị trí o-, p-.

- Các chất tham gia phản ứng, làm nhạt (mất) màu dung dịch brom và tạo khí: HCOOH.

2. Phản ứng với dung dịch AgNO3/NH3

- Các chất tham gia phản ứng và tạo kết tủa Ag: có nhóm -CHO trong cấu tạo (anđehit, axit fomic HCOOH, muối hoặc este của axit fomic (HCOO)nR, glucozơ, fructozơ, mantozơ...

- Các chất tham gia phản ứng và tạo kết tủa là dẫn xuất chứa Ag màu vàng: có H gắn với nguyên tử C mang liên kết ba.

- Muối clorua hữu cơ tham gia phản ứng tạo kết tủa trắng AgCl.

3. Phản ứng với kim loại kiềm (Na, K)

- Chất có nguyên tử H linh động: chứa nhóm chức -OH; -COOH và các chất này phải ở trạng thái lỏng hoặc trạng thái dung dịch tham gia phản ứng tạo khí H2.

- Tất cả các dung dịch đều có phản ứng này (vì nước có phản ứng với kim loại kiềm).

4. Phản ứng với Cu(OH)2

- Ở nhiệt độ thư­ờng: 

+ Có hai nhóm - OH gần nhau trở lên ở trạng thái lỏng: tạo dung dịch màu xanh thẫm.

+ Các dung dịch của hợp chất hữu cơ có nhóm - COOH: tạo dung dịch màu xanh lam.

+ Các peptit, protein (trừ đipeptit): phản ứng màu biure tạo dung dịch màu tím.

* Ở nhiệt độ cao: chất có nhóm chức -CHO tạo kết tủa đỏ gạch Cu2O.

5. Phản ứng với CuO

- Các ancol bậc 1; bậc 2 phản ứng ở nhiệt độ cao sản phẩm là Cu màu đỏ.

- Các dung dịch axit (hợp chất có nhóm chức axit) tạo dung dịch muối đồng màu xanh.

6. Phản ứng với muối cacbonat

     Có nhóm - COOH phản ứng tạo khí CO2.

7. Phản ứng với dung dịch KMnO4

- Ở nhiệt độ thư­ờng: chất có liên kết pi ở ngoài vòng benzen làm nhạt và mất màu thuốc tím.

- Ở nhiệt độ cao: các đồng đẳng của benzen như toluen… làm nhạt và mất màu dung dịch thuốc tím.

8. Phản ứng với quỳ tím

- Các chất có tính axit: làm đổi màu quỳ tím sang đỏ gồm:

+ Axit hữu cơ (có nhóm -COOH).

+ Amino axit (có số nhóm -COOH nhiều hơn số nhóm -NH2).

+ Muối của amino axit với các axit vô cơ mạnh.

- Các chất có tính bazơ: làm quỳ tím đổi sang màu xanh gồm:

+ Amin có tính bazơ mạnh hơn NH3 (có N gắn với gốc hidrocacbon no).

+ Amino axit có số nhóm -COOH ít hơn số nhóm -NH2.

+ Muối của amino axit với kiềm.

     Sau đây là các bài tập vận dụng để bạn đọc tham khảo: